MỚI: GẠO LỨC SẠCH GẠO SẠCH BẮC HƯƠNG
Gạo nếp là loại thực phẩm quen thuộc với người Việt. Nó là nguyên liệu chế biến nhiều món ăn khác nhau như bánh chưng, bánh trôi, xôi, các loại chè,... Tuy có hàm lượng dinh dưỡng dồi dào nhưng một số người không nên lạm dụng các món ăn từ gạo nếp để tránh ảnh hưởng không tốt đối với sức khỏe.
|
Thành phần dinh dưỡng dồi dào và hương vị thơm ngon đã biến gạo nếp thành loại lương thực quan trọng trong đời sống của người Việt.
Theo các chuyên gia dinh dưỡng thì gạo nếp rất giàu tinh bột, protein, chất béo và vitamin, cung cấp nhiều năng lượng cho cơ thể. Cụ thể, 100g gạo nếp cung cấp tới 344 kcal, tương đương với năng lượng từ gạo tẻ. Đặc biệt, vì gạo nếp có đặc tính là độ dẻo, dính cao nên cho cảm giác no lâu. Do đó, loại gạo này thường được sử dụng để làm những món ăn cần độ kết dính cao như chè, xôi, bánh chưng, bánh dày,...
Gạo nếp có chứa nhiều dưỡng chất tốt cho sức khỏe
Đông y đã ghi nhận gạo nếp là một vị thuốc có tác dụng chữa trị chứng suy nhược cơ thể, nôn mửa, viêm loét dạ dày - tá tràng, đi ngoài phân lỏng, rối loạn bài tiết mồ hôi,... Các bài thuốc từ gạo nếp đã được y học cổ truyền áp dụng thành công, điều trị nhiều bệnh lý khác nhau. Cụ thể, dân gian từ lâu đã dùng cơm nếp nóng để chườm, giúp thông tắc tia sữa cho phụ nữ sau sinh. Cơm nếp để nguội, giã nhuyễn còn được trộn với bột thuốc để bó xương gãy, trị bong gân,... Cơm nếp cũng được ủ men, nấu rượu, ngâm rượu để bồi bổ sức khỏe,...
Tuy có nhiều tác dụng nhưng gạo nếp cũng có đặc tính riêng, không tốt cho một số đối tượng. Cụ thể là:
Vì có độ dẻo cao, khi vào dạ dày sẽ gây khó tiêu, các món ăn từ gạo nếp có nhiệt lượng cao nên khi ăn nhiều sẽ gây nóng trong người, dễ dẫn đến nổi mụn, nhọt. Những người hay bị nổi mụn trứng cá cũng không nên ăn xôi buổi sáng vì cơ địa vốn đã nóng, ăn vào sẽ càng gây nóng trong, sinh nhiều mụn hơn.
Vì có đặc tính là dễ gây nóng trong nên các món ăn từ gạo nếp không tốt cho người có vết thương hở. Nguyên nhân vì ăn đồ nếp sẽ khiến tính nóng phát ra ngoài, gây sưng, mưng mủ và làm vết thương lâu lành hơn.
Người có vết thương hở không nên ăn gạo nếp để tránh bị mưng mủ
Những người bị đau dạ dày hoặc trào ngược dạ dày - thực quản không nên sử dụng đồ nếp. Nguyên nhân bởi gạo nếp có cấu tạo tinh bột dạng nhánh, tinh bột chắc, khó chia cắt nên khi ăn nhiều sẽ cho cảm giác no lâu, khó tiêu, ợ nóng. Như vậy, ăn đồ nếp sẽ làm trầm trọng hơn các triệu chứng của những căn bệnh kể trên.
- Trẻ nhỏ, người già, người mới ốm dậy,... không nên ăn nhiều đồ nếp vì trong gạo nếp có chứa Amylopectin gây khó tiêu;
- Người bị sốt, ho khạc đờm, chướng bụng, vàng da,... không nên ăn đồ nếp;
- Thai phụ chỉ nên ăn các món ăn từ gạo nếp với lượng vừa phải vì chúng có hàm lượng tinh bột cao, dễ làm tăng nguy cơ mắc tiểu đường thai kỳ;
- Phụ nữ sinh mổ hoặc bị rạch khi sinh thường: Nên tránh ăn đồ nếp vì gạo nếp dễ khiến vết mổ bị sưng, mưng mủ;
- Người bị mẩn ngứa, nổi mề đay: Không nên ăn đồ nếp vào buổi sáng để tránh nguy cơ bị dị ứng thực phẩm (do cơ địa dễ dị ứng).
Ngoài ra, còn có một số kiêng kỵ khác khi ăn đồ nếp, đó là: Không ăn xôi với thịt gà (dân gian cho rằng ăn thịt gà với cơm nếp sẽ gây ra sán dây); không ăn xôi nếp nhiều lần trong tuần, chỉ nên ăn 1 - 2 lần/tuần; không nên ăn xôi thay cơm để tránh tăng cân mất kiểm soát,...
Có thể thấy các món ăn từ gạo nếp rất ngon, dễ ăn, giàu dưỡng chất nhưng không phải sẽ tốt cho mọi đối tượng sử dụng. Vì vậy, nếu thuộc nhóm đối tượng trên đây thì bạn nên kiểm soát chế độ ăn uống của mình một cách hợp lý, tránh mang bệnh vào người.